XUẤT KHẨU GẠO NĂM 2024 ĐẠT KỶ LỤC CẢ VỀ LƯỢNG VÀ GIÁ TRỊ

Xuất khẩu gạo 2024 đạt kỷ lục cả về lượng và giá trị

Đồng Tháp - một trong những vựa lúa của Đồng bằng sông Cửu Long, năm 2024, xuất khẩu gạo ước đạt 1,366 triệu tấn, tăng 157,59% so với năm 2023, đạt 227,67% kế hoạch năm 2024; kim ngạch xuất khẩu đạt 865 triệu USD. Đây là năm mà Đồng Tháp tăng trưởng khá ấn tượng trong việc xuất khẩu gạo ra nước ngoài.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 174 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xay xát, lau bóng gạo, ước tính sản lượng xay xát, lau bóng gạo năm 2024 đạt 2,1 triệu tấn, tăng 17,25% so với năm 2023. Thị trường xuất khẩu gạo chủ yếu là châu Á chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đến là châu Đại Dương, còn lại là các châu lục khác.

Bà Võ Phương Thủy - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp - cho biết, việc Ấn Độ tiếp tục duy trì các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo để ổn định thị trường trong nước, cùng với nguồn cung tại một số quốc gia xuất khẩu gạo bị sụt giảm do El Nino đã đẩy nhu cầu và giá gạo thế giới tăng cao. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của tỉnh Đồng Tháp đã tận dụng khá tốt cơ hội này để tăng cường xuất khẩu gạo, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2024, Việt Nam đã đạt kỷ lục cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu, khoảng 9 triệu tấn với 5,7 tỷ USD. Giá gạo xuất khẩu gạo bình quân cũng đạt mức cao nhất từ trước tới nay với trên 600 USD/tấn. Giá bình quân xuất khẩu gạo của Việt Nam trong ba năm vừa qua đã có hành trình tăng ấn tượng, tăng tới trên 28%, kéo theo kim ngạch xuất khẩu cũng tăng trưởng hai con số.

Năm 2024, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo sau Ấn Độ 17 triệu tấn, Thái Lan 10 triệu tấn. Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Intimex - đánh giá, Việt Nam đang tạo dựng ngành hàng lúa gạo với hướng đi khác biệt là tập trung vào gạo thơm, gạo chất lượng cao, giảm dần gạo cấp thấp. Năm 2024, xuất khẩu gạo lập kỷ lục xuất khẩu 9 triệu tấn năm 2024 nhờ sản xuất, kinh doanh theo nhu cầu thị trường. Về sản xuất, nông dân Việt Nam đang tập trung sản xuất các giống lúa chất lượng cao, được thị trường quốc tế ưa chuộng như Đài Thơm 8, OM 18, các giống ST,… bán được giá, hiệu quả kinh tế cao.

Việt Nam cũng nhập rất nhiều gạo giá rẻ từ Ấn Độ, Pakistan… để phục vụ chế biến và tiêu dùng cho phân khúc bình dân. Ngoài ra, còn có nguồn lúa gạo từ Campuchia vừa phục vụ tiêu dùng, vừa xuất khẩu do nước này chưa có hạ tầng chế biến tốt như Việt Nam.

Xuất khẩu 2025 dự báo đối diện với những khó khăn

Năm 2024 đang dần khép lại với kết quả xuất khẩu tích cực của nhiều mặt hàng nông sản chủ lực, gạo nổi bật với giá trị xuất khẩu đạt khoảng 5,7 tỷ USD, đây cũng là mức cao nhất từ trước tới nay. Và đây cũng là thời điểm nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu chào và ký kết các hợp đồng bán gạo cho năm 2025.

Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) – nhận định, xuất khẩu gạo năm 2025 dự báo sẽ đối diện với nhiều khó khăn như sự trở lại của Ấn Độ, dự báo nước này có thể xuất khẩu 22 triệu tấn, tăng 5 triệu tấn so với năm 2024. Về thị trường nhập khẩu, Indonesia, nước nhập khẩu gạo lớn trên thế giới, dự báo sẽ giảm nhập khẩu. Ngoài ra, Trung Quốc đã giảm nhập khẩu gạo rất mạnh trong năm 2024 cũng là điều đáng chú ý. Ông Nguyễn Ngọc Nam kiến nghị ngân hàng quan tâm vấn đề vốn vay và đề nghị ngành thuế sớm hoàn thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu.

Về việc này, ông Dương Đức Quang - Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) Sở giao dịch hàng hoá Việt Nam cũng nhận định, năm sau xuất khẩu gạo của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức hơn so với năm 2024 vì nguồn cung gạo thế giới sẽ trở nên dồi dào hơn.

Nhiều nước xuất khẩu gạo trên thế giới đang nỗ lực đẩy mạnh nguồn cung lương thực, bên cạnh đó Ấn Độ cũng đã mở lại nguồn cung. Có thể, vì những lý do trên, giá gạo xuất khẩu trung bình có thể giảm xuống dưới 600 USD/tấn.

Nhìn nhận ở góc độ khá lạc quan, các doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng, giá gạo xuất khẩu có thể giảm nhẹ khi nguồn cung phục hồi, nhưng cơ hội của gạo Việt Nam vẫn có bởi chất lượng gạo Việt ngày càng được chú trọng nhằm đảm bảo những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu. Và đây sẽ là lợi thế cạnh tranh chính của gạo Việt trong thời gian tới.

Đồng hành với các doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu gạo trong năm tới, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho hay, chúng tôi sẽ tiến hành nghiên cứu việc đối với diện tích nào phù hợp trồng lúa chất lượng cao, năng suất cao. Diện tích lúa nào kém hiệu quả vẫn duy trì một phần chất lượng cao chuyển đổi cơ cấu sang trồng lúa rươi, lúa cá, lúa tôm cũng là một hình thức tốt để xây dựng thương hiệu cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Về phía Bộ Công Thương, trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung các hoạt động xúc tiến thương mại, tận dụng hiệu quả ưu đãi của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại; hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến các thị trường mới, thị trường tiềm năng; duy trì đều đặn tham gia các Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời, nâng cao năng lực dự báo, thông tin thị trường, kịp thời thông tin với các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp nắm bắt, có kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường. Theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường, chính sách xuất nhập khẩu của các nước để kịp thời thông tin cho doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, nguồn cung dồi dào hơn, giá cạnh tranh hơn và nhu cầu ổn định được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, góp phần vào an ninh lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, đây cũng là tín hiệu cho thấy cạnh tranh đang gia tăng trên thị trường gạo toàn cầu, buộc các doanh nghiệp phải linh hoạt trong chiến lược xuất khẩu của mình.