XUẤT KHẨU GẠO NĂM 2024 ĐẠT KỶ LỤC CẢ VỀ LƯỢNG VÀ GIÁ TRỊ
Năm 2024, xuất khẩu gạo đạt kỷ lục cả về lượng và giá trị. Giá gạo xuất khẩu gạo bình quân cũng đạt mức cao nhất từ trước tới nay với trên 600 USD/tấn.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị thúc đẩy xuất khẩu nông - lâm - thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 16/12, tại TP. Hồ Chí Minh.
Xuất khẩu nông - lâm - thủy sản tăng kỷ lục, vượt mục tiêu năm 2024. Ảnh: NNVN
Ông Ngô Hồng Phong - Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho hay, 2024 là một năm bứt phá của nông nghiệp Việt Nam cả về sản xuất và xuất khẩu. Giá trị sản xuất tăng trưởng trên 3,2%, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thuỷ sản ước đạt trên 62 tỷ USD, tăng trên 18% so năm 2023, với 11 mặt hàng tiếp tục duy trì giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Trong đó, có 7 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ ước 16,1 tỷ USD; rau, quả ước 7,1 tỷ USD; gạo ước 5,7 tỷ USD; cà phê ước 5,4 tỷ USD; hạt điều 4,3 tỷ USD; tôm 3,8 tỷ USD; cao su ước 3,2 tỷ USD). Đặc biệt, xuất khẩu rau; quả, gạo, cà phê, hạt điều và hạt tiêu đều có bước tăng trưởng hai con số (cà phê tăng 56,9%, hồ tiêu tăng 53,3%, cao su tăng 24,6%, gạo tăng 10,6%).
Ông Phong cho biết thêm, trong thời gian tới, những biến động về địa chính trị, xung đột quân sự và đặc biệt là việc Tổng thống Donald Trump tái đắc cử sẽ đặt ra nhiều thách thức, trong đó, các chính sách bảo hộ với rào cản thuế quan mức cao, quy định kỹ thuật ngày càng cao và yêu cầu về phát triển xanh bền vững đang đặt ra cho nhiều quốc gia xuất khẩu nông - lâm - thủy sản, trong đó có Việt Nam.
Ông Nông Đức Lai - Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc - cho hay, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia (vùng lãnh thổ) có số lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm bị cảnh báo nhiều nhất. Trong đó, nhóm hàng thủy sản, nước trái cây (chưa tính cà phê, sản phẩm sữa), bánh các loại bị cảnh báo nhiều nhất.
Do đó, ông Nông Đức Lai khuyến cáo, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần tăng cường công tác quản lý, giám sát chất lượng hàng xuất khẩu. Đồng thời, thường xuyên cập nhật, phổ biến thông tin đến doanh nghiệp về quy định, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của nước nhập khẩu.
Hiện, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam, cơ hội để sản phẩm của chúng ta xuất khẩu vào thị trường 1,4 tỷ dân này còn rất nhiều. Tuy vậy, các doanh nghiệp cần phải tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của nước nhập khẩu; chú trọng xây dựng thương hiệu; cần có nhân lực hiểu biết chuyên môn, thông thạo ngôn ngữ, am hiểu thị trường nước nhập khẩu... Ông Lai cũng lưu ý, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang tìm kiếm đối tác cần phải được trang bị thêm kiết thức, năng lực về thương mại điện tử, giao tiếp với đối tác trên mạng xã hội...
Ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho hay, hiện nay, nhiều sản phẩm của Việt Nam đang xuất khẩu và đã khẳng định được thương hiệu tại nhiều thị trường lớn trên thế giới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần tránh tâm lý chủ quan, lơ là mà phải làm nghiêm túc hơn từ khâu sản xuất, chế biến đến xuất khẩu.
"Việc tìm kiếm, mở cửa được các thị trường đã khó, việc giữ thị trường sẽ càng khó hơn. Nếu chúng ta không cố gắng, để tuột mất cơ hội, thị trường, sẽ rất khó để mở lại. Theo đó, các doanh nghiệp cần phải làm ăn bài bản, chuyên nghiệp hơn ngay từ khâu sản xuất đảm bảo truy xuất nguồn gốc, cơ sở đóng gói... theo đúng quy định của các nước nhập khẩu", ông Thiệt nói.
Để tiếp tục duy trì ổn định sản xuất và xuất khẩu trong thời gian tới, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - khuyến nghị các cơ quan ban ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ưu tiên thúc đẩy các ngành hàng như lúa gạo, thủy sản và rau quả theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Qua đó, vừa giúp đảm bảo sản xuất, nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào để góp phần kiểm soát lạm phát. Trong đó, cần tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương phát triển nuôi trồng các đối tượng nuôi chủ lực, nuôi biển, thực hiện nghiêm các quy định kỹ thuật trong xuất khẩu.
Đồng thời, bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển chế biến, phát triển các vùng nguyên liệu lớn, cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản, nâng cao chất lượng, giá trị và năng lực cạnh tranh cho nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế; xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics.
Trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung tháo gỡ và mở thêm các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi... Trong đó, các hiệp hội ngành hàng phải giữ vai trò đầu tàu trong hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các địa phương cần chú trọng tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức, kỹ năng, năng lực sản xuất kinh doanh của người sản xuất, kinh doanh nông sản trong tiếp cận thông tin thị trường, sản xuất theo tín hiệu thị trường, bảo vệ thương hiệu sản phẩm trước những vụ kiện về phòng vệ và tranh chấp thương mại quốc tế.
Nguồn: Báo Công Thương